Wednesday, October 30, 2013

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (P.9)



Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch Việt ngữ chính thức của Dòng Tên VN) (2)


WGPSG - Đây là bài phỏng vấn quy mô và công phu nhất từ trước tới nay của báo La Civiltà Cattolica. La Civiltà Cattolica cộng tác với nhiều tờ báo khác của dòng Tên trên toàn thế giới như America, Thingking Faith… để thực hiện cuộc phỏng vấn. Ban biên tập của những tờ báo trên gửi các câu hỏi về cho linh mục Antonio Spadaro, S.J. -Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica- để vị này đúc kết lại và thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha. Cha Antonio đã được gặp Đức Phanxicô 3 lần tại Casa Santa Marta để tiến hành cuộc phỏng vấn.

WGPSG đang đăng dần dần từng phần của bài phỏng vấn rất có giá trị này.





CHÚNG TA PHẢI LUÔN LẠC QUAN?

Những lời lẽ của Đức Thánh Cha làm tôi nhớ lại một vài suy tư trước kia của ngài trước kia, khi còn là hồng y, ngài viết rằng Thiên Chúa đang sống trong thành phố này rồi, Ngài đang sống lẫn giữa mọi người chúng ta và kết hợp với từng người. Theo tôi nghĩ, đây là cách nói khác diễn tả lại những gì thánh I-nhã đã viết trong Linh Thao, rằng Thiên Chúa “làm việc và hành động” trong thế giới của chúng ta. Vì thế, tôi đặt câu hỏi: “Chúng ta phải lạc quan hay sao? Đâu là những dấu chỉ của niềm hy vọng trong thế giới ngày nay? Làm sao tôi có thể lạc quan trong một thế giới đầy khủng hoảng?”

Pope Francis mỉm cười: “Tôi không thích dùng từ “lạc quan” vì nó diễn tả một thái độ tâm lý,” Đức Giáo Hoàng nói. “Thay vào đó, tôi thích dùng từ “hy vọng” hơn, theo những gì đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Hip-ri, chương 11, mà tôi đã nói đến. Các tổ phụ về đức tin đã tiếp tục bước đi, trải qua những khó khăn to lớn. Và niềm hy vọng đã không làm họ thất vọng, như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Rô-ma. Chúng ta hãy nghĩ đến câu đố đầu tiên trong vở nhạc kịch ‘Turandot’ của Puccini”, Đức Thánh Cha bảo tôi.

Lúc ấy, tôi vẫn còn đôi chút thuộc lòng vài câu trong câu đố của nàng công chúa trong vở nhạc kịch, mà câu trả lời cho câu đố ấy là niềm hy vọng: “Trong bóng tối âm u, một con ma ngũ sắc bay ra./Nó dang rộng đôi cánh trên nhân loại đen tối vô tận./ Cả thế giới kêu xin nó /và cả thế giới van nài nó./ Nhưng con ma biến mất khi bình minh lên để tái sinh nơi cõi lòng./ Mỗi đêm, nó sinh ra / và mỗi ngày nó chết đi!” Những câu thơ bộc lộ niềm mong ước một niềm hy vọng, nhưng nó lại là con ma ngũ sắc biến đi lúc bình minh.

“Thấy chưa”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Niềm hy vọng Ki-tô giáo không phải là một con ma và không lừa dối ai. Nó là một nhân đức đối thần và vì thế, một cách cơ bản, nó là một món quà của Thiên Chúa, mà không thể bị giản lược thành sự lạc quan, vốn chỉ thuộc về con người. Thiên Chúa không bao giờ đánh lừa niềm hy vọng; Thiên Chúa không thể chối bỏ chính mình. Thiên Chúa là tất cả lời hứa.”

NGHỆ THUẬT VÀ SỰ SÁNG TẠO

Tôi được đánh động bởi sự trưng dẫn mà Đức Giáo Hoàng vừa đưa ra liên quan đến tác phẩm “Turandot” của Puccini khi ngài nói về huyền nhiệm của hy vọng. Tôi thật lòng muốn biết rõ hơn những qui chiếu nghệ thuật và văn chương của ngài. Tôi nhắc cho ngài rằng vào năm 2006, ngài đã từng nói là những nghệ sĩ vĩ đại thì biết cách thể hiện với nét đẹp những thực tại đau buồn và bi thương của cuộc sống. Vì thế, tôi hỏi ngài rằng ai là những nghệ sĩ và nhà văn mà ngài yêu thích, và liệu họ có điểm gì chung không.

“Tôi thực sự thích rất nhiều tác giả khác nhau. Tôi rất thích Dostoevsky và Hölderlin. Tôi nhớ Hölderlin nhờ bài thơ mà ông viết nhân dịp sinh nhật của bà ông, bài thơ rất tuyệt và làm giúp tôi thêm phong phú về phương diện thiêng liêng. Bài thơ kết thúc với câu, ‘ước chi người lớn giữ lấy những gì mà con trẻ đã hứa.’ Tôi đã rất ấn tượng vì tôi rất yêu bà tôi, Rosa, và trong bài thơ đó Hölderlin đã so sánh người bà của mình với Đức Trinh Nữ Maria, người đã sinh hạ Đức Giê-su, người bạn của thế giới, Đấng đã không bao giờ xem ai là người xa lạ.”

“Tôi đã đọc tác phẩm I Promessi Sposi [Đính hôn], của Alessandro Manzoni, ba lần rồi, và bây giờ tôi vẫn còn để nó trên bàn vì muốn đọc lại lần nữa. Manzoni đã cho tôi rất nhiều. Khi còn là một đứa trẻ, bà tôi đã dạy tôi thuộc lòng khúc đầu của I Promessi Sposi: “Nhánh hồ Como rẽ về phía nam giữa hai dãy núi liền nhau…’. Tôi cũng rất thích Gerard Manley Hopkins.”

“Trong giới họa sĩ, tôi ngưỡng mộ Caravaggio; các bức vẽ của ông đã nói với tôi nhiều điều. Nhưng tôi cũng thích Chagall, với tác phẩm “White Crucifixion” của ông. Trong giới nhạc sĩ thì dĩ nhiên là tôi thích Mozart. Khúc ‘Et incarnatus est’ trong Thánh lễ phổ theo cung Đô thứ của ông quả là vô đối. Nó nâng tâm hồn bạn lên với Chúa. Tôi thích Mozart do Clara Haskil trình bày. Mozart lấp đầy tâm hồn tôi. Tôi không thể suy tư về âm nhạc của ông; tôi chỉ có thể lắng nghe thôi. Tôi thích nghe Beethoven, nhưng theo cung cách Promete [càng lúc càng mạnh mẽ], và theo tôi, người trình diễn theo cung cách Promete hay nhất là Furtwangler. Và rồi tác phẩm Cuộc Thương Khó của Bach. Một đoạn tác phẩm của Bach mà tôi thích nhất là ‘Erbarme Dich’ [Xin thương xót], tiếng khóc của Phê-rô trong “Cuộc Thương Khó theo thánh Matthêu.’ Tuyệt vời. Rồi, ở một cấp độ khác, không hoàn toàn sâu xa như vậy, tôi thích Wagner. Tôi thích nghe những tác phẩm của ông, nhưng không luôn luôn. Buổi trình diễn tác phẩm ‘Chiếc nhẫn’ của Wagner do Furtwangler thể hiện ở La Scala, Milan năm 1950 đối với tôi là tuyệt nhất. Nhưng tôi cũng thích ‘Parsifal’ do Knappertbusch trình diễn năm 1962.

“Chúng ta cũng nên nói về phim ảnh nữa chứ nhỉ. “La Strada”, của Fellini, có lẽ là bộ phim tôi thích nhất. Tôi đồng hóa mình với bộ phim này, trong đó có nói đến thánh Phanxicô một cách ám tàng. Tôi cũng tin là mình đã xem tất cả những bộ phim Ý có sự đóng góp của Anna Magnani và Aldo Fabrizi khi tôi độ khoảng 10 đến 12 tuổi. Một bộ phim khác mà tôi cũng rất thích là ‘Roma, città aperta’ [Rôma, thành phố rộng mở]. Tôi có được nền văn hóa phim ảnh này trước hết là nhờ bố mẹ tôi, bố mẹ hay dẫn chúng tôi đến rạp.

“Dù sao đi nữa, cách chung, tôi yêu thích các nghệ sĩ bi kịch, đặc biệt là những nghệ sĩ cổ điển. Có một định nghĩa mà Cervantes đã đặt trên môi miệng của Carrasco để ca ngợi chuyện Đon Qui-khốt: ‘Trẻ em có nó trong tay, giới trẻ đọc nó, người lớn hiểu nó, người già khen nó.’ Với tôi, đây có thể có một định nghĩa hay về văn chương cổ điển.”

Tôi hỏi Đức Thánh Cha về việc dạy văn chương cho các học sinh trường trung học của ngài.

“Có phần hơi liều lĩnh”, ngài trả lời. “Tôi phải đảm bảo là các học sinh của tôi đọc El Cid. Nhưng các cậu học sinh lại chẳng thích nó. Họ muốn đọc Garcia Lorca. Thế rồi, tôi quyết định là họ phải tìm hiểu El Cid ở nhà còn trên lớp thì tôi sẽ dạy về những tác giả mà họ thích. Dĩ nhiên, giới trẻ thì thích đọc những tác phẩm văn chương “hấp dẫn” hơn như tác phẩm đương thời La Casada Infiel hay cổ điển như La Celestina, của Fernando de Rojas. Nhưng nhờ đọc những tác phẩm hấp dẫn họ lúc đó, họ bắt đầu thích thú với văn chương, thi ca nói chung, và tiếp tục đi đến những tác giả khác. Và đó đã là một kinh nghiệm to lớn của tôi. Tôi đã hoàn thành chương trình nhưng theo một cách thức vô cấu trúc – nghĩa là, không được sắp xếp theo những gì đã dự trù trước, mà lại theo một trình tự tự nhiên xảy đến qua việc đọc các tác giả này. Cách thức này rất phù hợp với tôi: tôi không thích có một chương trình cứng ngắc, nhưng cốt sao biết mình có thể hơn kém đi tới đâu. Rồi tôi cũng bắt đầu cho họ viết. Cuối cùng, tôi quyết định gửi cho Borges đọc hai câu chuyện do hai cậu học sinh của tôi viết. Tôi biết vị thư ký của ông này, vì bà đã từng là cô giáo dạy tôi đánh dương cầm. Borges rất thích những câu chuyện này. Rồi ông ta bắt đầu viết lời giới thiệu cho một bộ sưu tập những bài viết này.”

“Thế thì, thưa Đức Thánh Cha, sự sáng tạo có phải rất quan trọng trong cuộc sống của con người không?” Tôi hỏi. Ngài cười và trả lời: “Đối với một Giê-su hữu, nó cực kỳ quan trọng! Một Giê-su hữu phải có sự sáng tạo.”

Phần 1 2 3 4 5 6 7 8 9....

No comments:

Liên Hệ

Name

Email *

Message *